Khát vọng trường tồn

9:34 09/08/2014

Con người có nhiều khát vọng, tôi biết thế. Nhưng khát vọng được thấy cái mình chưa bao giờ thấy, được nghe, được đi đến nơi mình chưa bao giờ đi là khát vọng tôi đã cảm thấy được khi xuất ngoại lần đầu tiên. Chúng tôi, những thế hệ đi trước, đã từng sống ở nước ngoài muốn những thế hệ con em FPT được hưởng điều đó sớm hơn, từ lúc chúng còn đang tuổi ham hiểu biết. Đó có thể coi là là động lực để Trường Tồn ra đời và duy trì
đến ngày hôm nay.

Cao đẳng thực hành FPT trích Truyện CLB Trường tồn, Sử ký FPT 20 năm.
Mục đích của CLB Trường Tồn là chăm lo đời sống về mặt tinh thần cũng như tạo điều kiện cho các bé được tiếp cận nền giáo dục của nước ngoài, nâng cao trình độ ngoại ngữ.Nguồn ảnh: chungta.vn

Năm 1989 tôi đi Mỹ, thấy hàng đoàn trẻ con châu Á sang Mỹ. Chúng ngó nghiêng, luôn mồm “Nỉ hảo”. Đích thị là bọn Tàu đây. Năm ấy Tàu có hơn ta là mấy mà sao họ đã có ý thức cho con cháu sang nhìn ngó nước Mỹ. Tôi ước ao, một ngày nào đó những trẻ em Việt Nam, những đứa trẻ FPT cũng được ra nước ngoài nhìn ngắm, học hỏi như bọn trẻ kia.

Trong một Hội nghị Luyện công năm 2003, hàng chục CLB xin ra đời: CLB ăn nhậu, CLB bóng truyền, bơi, dancing… Tôi đứng lên xin thành lập một CLB dành cho trẻ em, với mục tiêu tối thượng là cho chúng được ra nước ngoài, để hấp thụ văn minh thế giới, sau đó là du học. Mọi người hơi ngạc nhiên trước ý tưởng của tôi. FPT hồi đó còn rất trẻ, ít ai nghĩ đến trẻ em. Chỉ những người đã từng nuôi con nhỏ như bọn già chúng tôi để ý.

Tôi còn nhớ câu nói thuyết phục cả Hội nghị Luyện công: “Có những việc một mình tưởng không thể làm được, nhưng có thể làm được với sự giúp đỡ của nhiều người. Cho con đi nước ngoài là một việc như vậy. FPT đã làm nhiều việc lớn cho người lớn, tôi xin vận động phong trào làm một việc lớn cho bọn nhỏ”.

Cả hội nghị đồng ý ngay, những người nhiệt tình nhất là những người đã từng có con, anh BìnhTG, TiếnLQ, BảoDC, NamNT, ChâuHM… hưởng ứng ý tưởng đó và hứa sẽ tài trợ cho CLB. Hồi ấy tôi cũng nghĩ, chỉ cần mỗi đứa đi du học theo chương trình ra trường, đóng góp một tháng lương thì những em đi sau có thể dễ dàng ra nước ngoài.

Ngay sau khi thành lập CLB, tôi có gặp nhạc sĩ Trương Quý Hải và tâm sự, chúng ta phải làm sao để người đi trước giúp người đi sau, người chưa có con giúp người có con. Những đứa ra nước ngoài sẽ đưa những đứa con khác đi cùng, có như thế thì thế hệ sau mới tiếp nối và sự nghiệp chúng ta mới trường tồn, nên tôi đặt tên CLB là Trường tồn. Hải gật gù công  nhận tên ấy là hay. Từ đó CLB “trẻ con FPT” có tên Trường tồn.

Lúc đầu chưa có tiền, chỉ kêu gọi sự ủng hộ của người FPT, cả thành viên CLB lẫn các chú chưa vợ, các cô chưa chồng, ai quan tâm tới con trẻ FPT thì góp sức. Hội đồng quản trị FPT đã khẳng định vai trò Mạnh Thường Quân cho CLB, mấy chục ngàn đô đầu tiên là do các anh đóng góp. Dù con của các anh cũng đã lớn, nhưng mỗi người vài ngàn thế là chúng tôi có một số vốn kha khá để bắt đầu hoạt động. Ban Chủ nhiệm ra đời gồm: ThanhTT, NamNT, VịnhDT, HuyềnLH, HàTT, HaCT, HaiVT. Chúng tôi lấy ngày Cách mạng tháng mười Nga 7/11 là ngày thành lập. Lớp đầu tiên đi nước ngoài chính là năm 2003, FPT còn ít người, nên chúng tôi mời cả con của đối tác và một số người của công ty du học. Đó là một chuyến đi
làm chúng tôi vất vả. Phần vì lần đầu tiên đưa các cháu ra nước ngoài, nên khâu xử lý tình huống của chúng tôi còn chậm. Phần vì các cháu cũng lần đầu tiên ra nước ngoài nên còn bỡ ngỡ. Vừa ra khỏi sân bay, có cô bé 12 tuổi bị mất hộ chiếu. Thế là chúng tôi chạy cuống đi tìm. Một đêm ôm điện thoại và mất ngủ.

Khi sang tới Anh, chúng tôi cũng thấp thỏm không yên. Quả nhiên có chuyện chẳng lành. Cháu Tài, con anh Tuấn, đối tác của chúng ta, mua đồ chơi về chơi, ngờ đâu bị con chủ nhà vu cho ăn trộm của nó. Các bé sang theo dạng Home Stay, nên chủ nhà dứt khoát đòi gọi cảnh sát. Em bé khi mua đồ chơi không chú ý lấy hóa đơn (ở Việt Nam mình mua món đồ nhỏ thế thường không có thói quen lấy hóa đơn). Thế là không có cách nào minh oan cả. Nhưng bé Tài cũng cương quyết không chịu nhận đã lấy đồ chơi của con chủ nhà. Thế là hai bên cùng không chịu nhau. Tôi và trưởng đoàn HuyềnLH ôm điện thoại gọi liên tục sang Anh. Cuối cùng, không biết vì vẻ khẩn khoản của trưởng đoàn, hay sự lo lắng của chúng tôi bên này, mà chủ nhà không kêu cảnh sát nữa. Hú vía, sau chuyến đó, chúng tôi rút ra kinh nghiệm mua gì cũng phải cầm hóa đơn. Lần xuất ngoại thứ hai của các bé cũng thật đáng nhớ. Hồi đó, chúng tôi xin được một xuất học bổng toàn phần cho Thuỳ Dương, con anh DuyênNQH vào một trường khá tốt tại Luân Đôn. Ở nhà, cháu vốn được cha mẹ chiều chuộng, khi sang đến Anh, lạc vào môi trường toàn Tây, cháu hoảng, bị mặc cảm và stress nặng, không ăn không học gì được và gọi điện nằng nặc đòi về. Bố mẹ cháu báo lại với chúng tôi và cũng hoảng loạn. May quá, cùng lúc đó có đoàn của Trường tồn đang du học hè ở trường khác bên Anh. Chúng tôi liên lạc với một anh sinh viên đang du học ở Luân Đôn đến trường xin cho Linh rút khỏi trường và chuyển về nhóm của Trường tồn đang ở Anh. Khi được về với các bạn Việt Nam, cháu trở nên vui vẻ và hòa đồng ngay. Sau chuyến đó chúng tôi chốt lại tuổi của các cháu được đi học hè phải trên 14 tuổi.

Có lần đưa các cháu sang Anh, muốn tới thăm sân Manchester nhưng đúng lúc chiều tối sân đã đóng cửa, không vào bên trong xem được, nhưng vì mấy khi có cơ hội sang Anh, cả đoàn quyết định phải xem bằng được mặt mũi cái “Nhà hát của giấc mơ” nó như thế nào. May ra còn được gặp cả Rooney hay Ronaldo nữa. Thế là mấy chục cô cháu mua bánh mì, trải áo nằm ở ngoài sân đợi đến sáng hôm sau để vào xem. Đó là điều cấm kỵ vì các cháu đang ở dạng Home Stay, không được phép đi qua đêm. Co quắp ở ngoài sân cả đêm giữa trời lạnh giá chỉ để xem cái sân nó như thế  nào, nhưng cả đoàn vẫn đợi được. Sau chuyến ấy, một bé ở trong đoàn về kể lại từ đó không biết sợ lạnh là gì, vì cả đêm nằm ngoài sân không có chăn chiếu để đắp.

Sau 5 năm xây dựng, CLB đã đưa được rất nhiều cháu, con em FPT và bạn bè ra nước ngoài học tập, hoặc tham gia trại hè tiếng Anh trong nước với chương trình của Apollo. Tôi điểm lại thấy những cháu đã từng đi học hè ở nước ngoài hầu hết sau này đều đi du học tiếp. Có những cháu như con anh TùngLT, lúc đầu kiên quyết không chịu đi, sau khi CLB và bố mẹ thuyết phục mãi mới miễn cưỡng đi. Nhưng sau ba tuần ở Anh, tháng 7
cháu về thì không đợi đến hết năm mà tháng 9 đã xin bố mẹ cho đi du học ngay. Chúng tôi đã đoán không lầm, cũng giống hồi chúng tôi được ra nước ngoài, đi một lần là ham ngay. Chỉ có mở cửa ra thế giới mới thấy, ngoài ngôi nhà chúng ta đang ở còn bao nhiêu điều kỳ thú.

Nhưng điều CLB Trường tồn đạt được không phải là đưa được nhiều cháu đi nước ngoài, xin được nhiều học bổng hay xây dựng quỹ Trường tồn có nhiều tiền, mà là ở điểm khác. Sau 5 năm, chúng tôi đã thay đổi được nhận thức cho nhiều bố mẹ trong FPT. Nếu thế hệ trước phải “dò đá mà đi” tìm đường phát triển, thì hãy cho con cái có cơ hội được trang bị kỹ càng hơn để bước vào đời. Bố mẹ có tiền thường nghĩ tới mua nhà, mua xe hay sắm sửa cho con cái. Nhưng tôi thường thuyết phục: “Việc mua nhà mua xe năm nay không làm thì sang năm, tiền ấy hãy để dành cho các con đi mở mang tầm mắt vào đúng lúc các con cần. Đó là cái nhà, cái xe bền nhất cho cả đời con mình sau này. Mà khi cho con đi học hè, bố mẹ các cháu chỉ cần đóng góp một nửa, CLB sẽ đài thọ một nửa”. Hầu hết đều nghe tôi, cũng có người vì nể tôi nhiều hơn là tin tưởng vào lợi ích của chuyến đi. Nhưng sau đó, khi các cháu đi về, chính các cháu thay đổi nhận thức về giao tiếp quốc tế, về sự độc lập của bản thân mình thì bố mẹ mới thấy việc đưa con ra tự lực tiếp cận thế giới bên ngoài là hữu ích.

Nhìn con em người FPT lần lượt ra nước ngoài du học, tôi càng thêm vững tin vào sự lựa chọn của mình. Niềm tin ấy giúp chúng tôi đứng vững sau bao khó khăn chồng chất. Có lúc tưởng như Trường Tồn sắp “đoản mạng”, chúng tôi lại nhìn vào những tấm hình các cháu đi nước ngoài, những tâm sự của các cháu viết sau khi đi về, mà vững tin hơn vào con đường của mình.

Nhưng cũng chính những thành công đôi khi làm con người lạc quan quá nên dễ sinh ra nhầm lẫn. Ở đời mấy người không tham? Chúng tôi cũng tham lam với ý định care hết trẻ em FPT mọi lứa tuổi. Nhưng việc làm này khó quá, với quy mô một CLB và hoạt động hoàn toàn trên sự tự nguyện của các thành viên. Việc mở rộng Trường Tồn ra mọi lứa tuổi là điều không thể. Hầu hết Ban chủ nhiệm CLB đều là kiêm nhiệm, không ai có thời gian chuyên trách cho hoạt động của CLB và hơn nữa, nhu cầu của trẻ em là rất đa dạng. Tuổi tác, hoàn cảnh sống, điều kiện cũng khác nhau nên việc định “bao sân” toàn bộ trẻ em FPT là điều khó có thể thực hiện được. “Tại sao con tôi không có? Có phải Trường Tồn chỉ để dành phục vụ cho con cái các lãnh đạo? Tiền chúng tôi đóng bao giờ mới được hưởng?…” là những câu hỏi mà chúng tôi nhận được thường xuyên. Có bạn phụ trách khóc lên khóc xuống với tôi vì bị các phụ huynh FPT trách móc.

Nhưng tôi vẫn động viên các bạn, phải cố gắng vì mục tiêu của mình đặt ra rất rõ ràng. Lo được cho các hội viên có quyết tâm xuất ngoại ít nhất là một lần được ra nước ngoài, ngắm nhìn thế giới, mở mang tầm mắt và đó là cơ sở để thay đổi cả cuộc sống FPT small sau này. Mặt khác, chúng tôi cũng tự hạn chế lại hoạt động của mình cho các bé nhỏ hơn như: Hỗ trợ mua bảo hiểm, tặng quà trung thu, Tết thiếu nhi 1/06, hay quà Giáng sinh; còn ai có quyết tâm thì tham gia, chờ đến khi con mình đủ tuổi để có thể tham dự các khoá giao tiếp trong và ngoài nước.. Sau 5 năm tồn tại, ngoài nguồn vốn có sẵn là sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân và hội phí của các hội viên. Chúng tôi cũng tranh thủ những đợt Công ty phát hành cổ phiếu, xin phép được mua cổ phiếu của Công ty cho CLB như một khoản đầu tư dài hạn. Trường Tồn giờ có cổ phiếu của FPT, của FPT Security, Tien phong Bank… ước chừng cũng đủ cho 7, 8 năm hoạt động kế tiếp nếu quy mô như hiện tại. Nhưng ngay cả khi các nguồn dự trữ không còn thì
ngoài hội phí, chúng tôi vẫn  hy vọng có được sự đóng góp của các thế hệ đi trước, sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ CLB.

Tuy vậy, nguồn vốn lớn hơn mà chúng tôi đang tích lũy, đang lớn lên từng ngày chính là tấm lòng của các cháu đã tham gia CLB. Chúng lớn lên, đi khắp năm châu bốn bể nhưng chúng tôi tin rằng, trong tim các cháu sẽ luôn có hình bóng của FPT. Chúng sẽ nhắc về chuyến xuất ngoại đầu tiên tại Trường Tồn với những kỷ niệm khó quên. Và dù cuộc sống sau này có hiện đại đến mấy, chúng tôi tin rằng, chúng vẫn sẽ cảm nhận được điều quý giá nhất trong cuộc sống mà bố mẹ chúng, người FPT đã dành cho nhau – đó là Tình đồng đội. Chỉ với suy nghĩ ấy, chúng tôi sẽ luôn đủ nghị lực và quyết tâm giữ vững và xây dựng CLB cho mãi xứng với cái tên mà chúng tôi đã gửi gắm bao điều vào đấy: Trường Tồn.

Trương Thanh Thanh 

Chủ nhiệm CLB Trường Tồn

Trích “Sử ký FPT 20 năm”

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận