Cuối thu, se lạnh, một mình tôi xách vali ra Nội Bài, lên đường sang Nhật. Đó là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, lần đầu tiên biết thế nào là máy bay.
Tôi thắt đai an toàn và mơ màng đến một đất nước xa lạ. Không hiểu mình có nói chuyện được với chúng nó không trong khi chẳng biết một chữ tiếng Nhật nào và cũng chẳng có em phiên dịch xinh đẹp nào bên cạnh.
Sân bay Hongkong rộng gấp khoảng 10 lần Nội Bài. Máy bay lên xuống như ruồi. Cafe 4 USD, nhạt toẹt và chua loét. Nhưng các em tiếp viên thì rất xinh đẹp, váy ngắn chân dài, tận tình chu đáo và nói tiếng Anh cực chuẩn.
Đổi từ máy bay của Vietnam Airline sang Cathay. Cái này to cao hoành tráng hơn và không xóc như chuồng gà nữa. Hình như nó bay cao hơn thì phải. Trên cao, không khí loãng và áp suất thấp làm cơ thể cảm thấy khó chịu.
Tôi bỏ giầy ra ngồi thu lu trên ghế. Gọi bia nhắm với đậu phộng và xem phim miễn phí trên cái màn hình bé tí gắn sau lưng ghế trước. Đến lúc xuống thì ôi thôi, đôi giầy của tôi trở nên chật cứng không thể xỏ chân vào được. Tôi ngẩn ra một hồi và nghĩ ra tại nhiệt độ thấp nên da giầy đã co lại.
Hello Japan. Sân bay Narita cũng to đẹp chả khác gì Hongkong. Sau một hồi bị khám xét xem có mang virus cúm gà từ Hongkong sang không cuối cùng tôi cũng được cho ra. Định mua vé xe bus, nhưng không có tiền Yên. Tìm mãi mới thấy quầy đổi tiền. Thủ tục giấy tờ rất lằng nhằng chứ không như ở nhà, đổi tiền nhanh và dễ ợt.
Tìm đường về khách sạn, may mà có anh DungPT đã chỉ dẫn cho từ trước. Cuối cùng tôi cũng đến đích lúc 23h30, sau một hồi đánh vật với xe bus, tàu điện ngầm, taxi và cái thứ tiếng Anh củ đậu của Nhật. Trời tối và người oải nên chẳng nhìn ngắm được cái quái gì cả.
Khách sạn Tokyo Inn. Tôi kéo vali xông thẳng vào lễ tân, xổ ra một tràng tiếng Anh và chả có ai hiểu gì. Tôi nói tên “HitachiSoft” rồi “Ogura-san” nhưng cô bé lễ tân vẫn ngơ ngác. Biện pháp khác. Đưa hộ chiếu cho cô bé và ra hiệu hãy tìm đi. Cũng xong. Tôi mò lên tầng 14.
Phòng bé tí kê được mỗi một cái giường và một cái bàn. Bước qua cửa là vào đến giường luôn. Chưa biết xếp vali vào đâu thì nhìn thấy một tờ giấy: “Bạn có thể để hành lý ở dưới gầm giường”. Thao thức mãi mới ngủ được.
Sáng hôm sau phải sẵn sàng lúc 7h. Sáng, có hai chú người của HSK đến, nói tiếng Anh lơ lớ nhưng vẫn còn đỡ hơn lái xe với lễ tân. Bọn tôi đi bộ đến trụ sở của HSK chỉ mất 5 phút. Lúc đấy tôi mới có dịp ngắm nghía đường phố một tẹo. Rất sạch sẽ và trật tự. Hàng quán cũng san sát mặt đường nhưng không có vụ lấn chiếm vỉa hè. Vỉa hè là dành cho người đi bộ và xe đạp. Dưới đường toàn ô tô, chẳng có cái xe Nhật Bản máy nào cả. Dây điện vẫn có chỗ chạy trên trời nhưng không rối bùng beng như Hà Nội mình.
Trụ sở HSK là hai tòa nhà to vật vã nằm trong một khu toàn cao ốc. Trước mặt là một cái quảng trường cũng to vật. Một cái đồng hồ kết toàn bằng hoa, đường kính khoảng 5m nằm ngay lối vào.
An ninh của họ rất chặt. Có bảo vệ chặn ở cửa. Người lạ ra vào phải có người của HSK đi cùng để đăng ký và lấy thẻ ra vào. Khi về phải trả lại thẻ. Sáng hôm sau lại thế. Sau màn giới thiệu, tôi được giao cho chỗ ngồi và một cái máy tính. Chỉ có mỗi Windows bản tiếng Nhật.
Không được cài thêm cái gì, nhưng được vào internet, băng thông cực rộng luôn. Cuộc chiến bắt đầu. Phòng server của HSK thì choáng luôn. Chiếm toàn bộ một tầng nhà. Muốn vào phải có chìa khóa và 2 cái access card. Camera tua tủa xung quanh. Và tôi cũng không ngờ rằng cái chương trình con con của team nhà mình làm lại được deploy trên một con server đen xì to đùng ở đây.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến cái smoking corner. Một cái phòng chừng 15m2, chỉ có ghế và gạt tàn, loại to như cái tủ cá nhân ở FSoft. Bọn Nhật cũng đốt thuốc như ống khói, cả phụ nữ.
Buổi trưa, Ogura-san và mấy chiến sĩ Nhật làm cùng kéo tôi đi ăn. Đấy là lần đầu tiên tôi ăn đồ ăn Nhật thật sự, chứ không phải trong mấy nhà hàng Nhật ở Hà Nội. Rất đẹp và rất ngon. Phục vụ thì khỏi phải nói, không chê vào đâu được.
Mỗi tối, tôi lại nhàn rỗi đi lang thang. Tokyo về đêm vẫn sáng rực đèn và xe cộ vẫn tấp nập ngược xuôi. Thi thoảng có một chiếc xe máy, loại phân khối lớn, rú ga vọt đi trên đường cao tốc. Nhà cửa đều hoặc là nhỏ nhắn xinh xắn, hoặc là rất cao tầng. Vẫn có rất nhiều nhà mang dáng vẻ cổ kính, hình như có từ thời phong kiến với tường rêu, mái ngói và cột đá xanh. Một vài ngôi chùa cổ kính với khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông vẫn tồn tại trong lòng một thành phố có giá nhà đất cao nhất thế giới.
Có rất nhiều máy bán hàng tự động đặt dọc đường. Chủ yếu là bán nước giải khát, bia và thuốc lá. Đấy là lần đầu tiên tôi dùng tiền xu, và cũng là lần đầu tiên sử dụng cái máy bán hàng tự động. Các của hàng mở cửa rất khuya, nhất là các hàng ăn uống. Rượu Nhật rất thơm ngon và độ cồn thấp, uống giống như rượu dành cho phụ nữ vậy.
Weekend, tôi đi tàu điện ngầm qua chỗ anh DũngPT. Hồi ấy FSoft chưa mở văn phòng ở Nhật. Anh Dũng còn đang ở nhờ nhà một người bạn Nhật ở bên đó. Phải đi ba chuyến tàu mới đến nơi. Ga tàu cũng to và có đến mấy tầng ngầm dưới đất. Bảng giờ tàu thì dài hơn chục mét, chữ viết chi chít. Bán vé cũng bằng máy bán hàng tự động. Loay hoay mãi tôi mới biết cách dùng nó. Hai chuyến tàu đầu tiên êm xuôi, vì có bảng điện tử thông báo ga sắp tới bằng song ngữ Anh-Nhật. Chuyến cuối cùng không có. Chúng nó thông báo bằng loa. Nghe tên ga chả hiểu gì. Thế là đi quá mất một ga, lại phải quay lại.
Hôm đấy anh Dũng chiêu đãi món cá sống chấm mù tạt. Lần đầu tiên tôi được ăn món này. Ngon kinh khủng. Buổi tối, đứng trên ban công nhìn sang Disneyland. Pháo hoa bắn tá lả. Anh Dũng bảo, tối nào chúng nó cũng bắn pháo hoa. Đốt tiền kinh. Ngày cuối cùng ở Nhật, Ogura-san hẹn 7h tối đi nhậu. Có thêm một chiến sĩ nữa là Bando-san, trẻ và vui tính. Người Nhật trong giờ làm việc rất nghiêm túc và chăm chỉ, nhưng hết giờ làm, ra khỏi công ty lập tức khác hẳn. Vui vẻ cười nói đùa cợt rất thoải mái. Ba thằng uống say ngất ngây đến tận 2h sáng. 6h sáng tôi phải ra sân bay rồi. Hẹn gặp lại.
KhanhDM – FSoft
Trích “Sử ký FPT 20 năm”