Lặn lộn nhiều nghề
Được tuyển vào FPT để thực hiện dự án khai thác vàng vào năm 1991, nhưng rốt cục, tôi không đi “tìm vàng” mà lao vào những thương vụ làm ăn. Làm nhiều nghề, hết nghề này đến nghề kia vẫn ở trong FPT thôi.
Nhưng cũng lạ, FPT trở thành công ty tin học số 1 Việt Nam rồi Tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam mà các hướng kinh doanh tôi tham gia chưa bao giờ dính dáng đến tin học, ngoại trừ 1 lần duy nhất trực gian hàng thiết bị tin học FPT tại triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam năm 1991 tại trung tâm triển lãm Giảng võ nhưng cũng không bán một cái máy tính nào.
FPT hồi đó nhỏ lắm, cả công ty chỉ có khoảng trên ba chục người. Ngoại trừ Ban Giám đốc, mảng tin học gọi là Trung tâm ISC thì còn lại tập trung vào tuốt phòng tổng hợp (bao gồm Kế toán, tổ chức cán bộ, hành chính và tất cả các thứ còn lại). Tôi dĩ nhiên là quân số thuộc phòng Tổng hợp. Chú Đào Vinh lúc đó to lắm, điều hành cả phòng Tổng hợp, chức chỉ bé hơn các anh trong ban GĐ.
Ở FPT lúc đó có câu “bước lên tầng 2 (trụ sở Công ty tại trường PTCS Giảng võ) thì tôi không biết tôi là ai”.
Có nghĩa là sếp bảo làm là làm không bàn cãi không hỏi làm để làm gì bởi tất cả là vì Công ty, đơn giản thế thôi, chắc chị Thu Hà (Ban TCCB) và Thanh Huyền (F9) hiểu rất sâu sắc câu này. Sau này thì cái khái niệm đó cũng nhiều thay đổi.
Là lính mới nên tôi cũng chưa đựơc phân công việc cụ thể, các sếp sau khi nhận tôi thì đi công tác nước ngoài, ở Việt Nam quyền giám đốc là anh Phan Ngô Tống Hưng. Cụ Vinh nói với tôi các ông ấy bảo cháu làm vàng thì cháu cứ làm vàng. Tôi hỏi thế thì làm ở đâu? Mỏ nào? Thăm dò hay khai thác? Sẽ làm việc gì? Dưới quyền ai? Cụ Vinh nói thế thì cứ đi tìm tài liệu mà đọc. Thôi thì nhắm mắt đưa chân hay chính xác hơn là chó sục bụi rậm. Cái gì các sếp bảo là tôi cũng làm tuốt. Vừa tìm đọc tài liệu tại các thư viện, tôi vừa kiêm nhiệm chân chạy lăng quăng như: trông coi máy tính khi công ty tham gia triển lãm hay, đi tìm cataloge, thuê thợ ảnh, người mẫu, bao bì cho công ty xuất khẩu hàng may mặc ra nước ngoài.
Một thời gian sau, khi FPT hợp tác với một hợp tác xã (HTX) may dưới hình thức mua lại CP của họ. Anh Trương Gia Bình, anh Lê Quang Tiến thường xuyên đi công tác nước ngoài, nên anh HưngPNT phải kiêm luôn làm Tổng giám đốc HTX may có lẽ đây là chức danh duy nhất có tại Việt Nam lúc bấy giờ. Do bận rộn, anh Hưng hiếm khi có mặt tại đây. Tôi và Thắng còi (nay đã lập công ty bên ngoài) được phân công xuống “ăn nằm ở dề” tại hợp tác xã suốt 6 tháng.
Thắng là kế toán trưởng do FPT cử song song với một bà kế toán trưởng của HTX, tôi nhận nhiệm vụ trợ lý cho chú Nghỉ (GĐ Kỹ thuật do FPT thuê) chạy lo nguyên vật liệu, phụ liệu cho việc may mặc hàng xuất khẩu. Đây cũng là thời gian tôi học được khá khá kiến thức về kiểm tra và giám sát kỹ thuật của quy trình may công nghiệp, ngoài ra thì mọi việc chỉ mối lấy nguyên phụ liệu … chú Nghỉ chỉ truyền cho tôi.
Do FPT làm xuất khẩu quần áo nên bọn tôi nắm được một số kỹ thuật trong xuất nhập khẩu (XNK). Mặt khác, lúc đó rất ít công ty được làm XNK trực tiếp nên chúng tôi (tôi và Hải Kozic) đã có ý tưởng thành lập bộ phận vận tải FPT với mục đích làm dịch vụ XNK ủy thác và thuê tầu, máy bay để hưởng hoa hồng.
Anh Bình lúc đầu không khoái lắm vì cho rằng, làm vận tải chẳng có tý gì giống với công nghệ và liên quan đến FPT. Nhưng anh Phạm Minh Hải (Hải Kozic) với đầu óc kinh doanh nhạy cảm, kiên quyết lập luận: “Đã là kinh doanh, cái gì ra tiền là làm”. Thấy không thể cản được khí huyết sôi sục của Hải Kozic, anh Bình đồng ý với điều kiện văn phòng của các chú phải tách riêng và không tiếp khách ở trụ sở FPT để tránh ồn ào.
Anh Hải và tôi lọ mọ đi thuê một văn phòng nhỏ để thực hiện sứ mệnh mới. Chúng tôi tự kinh doanh, tự hoạch toán, tự trả lương. Công việc khá thuận lợi.
Chúng tôi tự làm việc với tàu biển, hàng không và làm đầu mối nhận hàng, chuyển hàng (thu phí xuất khẩu uỷ thác) với giá mềm hơn hẳn so với các đối thủ khác. Nhiều công ty lớn có nhu cầu xuất khẩu cũng gõ cửa tìm tới. Tiền tươi về hàng ngày.
Tôi còn nhớ, lúc mới vào FPT, lương của tôi là 140.000VND, sau được nâng lên 200.000VND. Tôi thường xuyên lâm vào tình trạng, chưa hết nửa tháng là lương đã hết vèo. Khi chuẩn bị sang tổ vận tải, chú Vinh còn nói nhỏ với tôi: “Lương cháu giờ có 200.000VND, nhưng chuyển sang làm giao nhận nếu làm tốt thì số lương đó đã là gì”.
Quả thực, ngoài các chi phí văn phòng, điện nước, tiền ăn nhậu (lúc đó chúng tôi suốt ngày phải bia bọt với khách hàng và đối tác), tiền nộp về FPT hàng tháng thì chúng tôi có mức thu nhập phải gọi là khá khẩm, gấp mấy lần mức lương cũ. Tôi nói với anh Hải, “anh Hải Kozic là sếp nên nhận lương khoảng 1,5 triệu VND/tháng, còn em 1 triệu là OK”. Hàng tháng Hải Kozic nộp báo cáo tài chính của bộ phận về công ty đầy đủ.
Sau một thời gian, thấy chúng tôi làm ăn ổn thỏa, ngày 08/9/1993, FPT chấp nhận nhận chúng tôi về lại FPT để làm cho nó bài bản. Công ty cấp cho chúng tôi một văn phòng, một bộ salon tiếp khách, máy fax để tiện làm việc. Lúc này chúng tôi mới chính thức là Trung tâm dịch vụ vận chuyển, trở thành một bộ phận chính thức của Công ty. Chúng tôi thực hiện việc giao nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa của Công ty FPT và làm dịch vụ cho các doanh nghiệp và tư nhân có nhu cầu. Một dạng của Forwarder ngoài ra còn mở thêm cả phòng vé bán máy bay làm đại lý cho Pacific Air Lines sau đó là Vienam Air Lines và một số hãng hàng không nước ngoài khác.
Vài năm đầu những kinh doanh này khá ổn, chúng tôi làm ăn khấm khá, luôn luôn là đại lý hàng đầu của các hãng, thường xuyên được hãng tuyên dương và công ty khen thưởng.
Đến năm 1997 – 1998, công việc của tôi chẳng còn ngon gì nữa, kinh doanh khó khăn hơn nhiều. Anh Hải Kozic đã chuyển sang làm Giám đốc TT điện từ lâu. Tình hình ngày càng khó khăn dẫn tới Trung tâm dịch vụ vận tải giải tán. Nó cũng hoàn thành sứ mệnh trong một giai đoạn lịch sử. Các đồng nghiệp của tôi một số ít ở lại FPT số còn lại ra ngoài mở doanh nghiệp riêng, vẫn làm về vận tải và du lịch, ở góc độ nào đó họ cũng đều thành đạt.
Sau 7 năm làm kinh doanh, bỗng dưng tôi được “chiếu nghỉ”. Tôi về HO và tham gia công tác đoàn thanh niên. Một ngày đẹp trời năm 1998, anh Bình gọi tôi vào phòng và bảo: “Em nhận công tác phát triển tinh thần anh em nhé!”. Tôi bản chất là đứa thích ăn chơi, tụ tập, nên vui vẻ nhận lời. Chỉ nói nếu các anh không ủng hộ thì em cũng chịu đấy.
Thật ra thời gian đó, anh Nam già, vốn được coi là thủ lĩnh tinh thần của FPT thì đang đi học, STico thiếu người cầm đầu. Đoàn thanh niên FPT được anh Bình lựa chọn và giao cho trọng trách gìn giữ và phát triển tinh thần và văn hóa FPT.
Do hay lang thang, tụ tập, tôi gần như chơi với tất cả mọi người trong công ty, bất kể từ các sếp cho đến lính mới nên công việc của Đoàn thanh niên FPT cũng gặp nhiều thuận lợi.
Để phong trào Đoàn phát triển nhưng mang đặc thù FPT phục vụ mục tiêu của FPT, đặc biệt hơn so với các cơ sở Đoàn khác, tôi kiến nghị với ban lãnh đạo FPT và lãnh đạo các bộ phận nên tham gia vào BCH Đoàn cho oách. Ban đầu, BCH có hầu hết các lãnh đạo cao nhất các BP như anh Nam, anh Thắng, Tô Tuấn, KhắcThành, Lại Hương Huyền, Trần Thu Hà, Điệp Tùng, Hoài râu… Tôi được bầu làm “Tổng bí thư” đoàn. Anh Bình nói vui em phải là TBT Đoàn FPT chứ, tôi nghe cũng khoái.
Tôi bắt đầu lao vào công cuộc phát triển “tinh thần” anh em. Tổ chức ngày 13/9, tổ chức đi nghỉ mát cho anh em, tổ chức hội thảo, cuộc họp tại công ty. Sau bao nhiêu công cuộc tổ chức các sự kiện cho công ty, tôi chợt nảy ý định: “Mình đã có thể làm tốt việc tổ chức sự kiện ở FPT. Nếu chuyển sang làm cho các ông khác và thu tiền thì hoàn toàn có thể là một hướng kinh doanh sẽ kiếm được”.
Lúc đó, ở Việt Nam mới chỉ có một công ty nước ngoài làm dịch vụ này. Tôi đã tơ tưởng rất nhiều và nghĩ ra các dịch vụ, thậm chí, cả tổ chức đám cưới… hỏi ý kiến các anh như anh Hưng, anh Nam đều ủng hộ bảo “Tốt đấy, triển khai đi”.
Nhưng rốt cuộc ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng vì tôi thiếu một người có thể giúp tôi chuyển ý tưởng thành đề án kinh doanh khả thi.
Vẫn nung nấu trong đầu sẽ tìm kiếm một hướng kinh doanh nào đó phù hợp, tôi vừa hoạt động Đoàn vừa suy nghĩ. Có một lần một anh ở Viện Công nghệ gợi ý cho tôi từ cổ xưa tới nay có hai nghề buôn rất lời là buôn vũ khí và buôn nô lệ. Tôi nghĩ, buôn vũ khí thì chả đến cái mặt mình, có lẽ “xuất khẩu lao động” gần giống môn thứ hai tất nhiên không tàn bạo giống thời trung cổ..
Cuối năm 1999-2000, FPT rộn lên đợt sóng xuất khẩu phần mềm nhưng cũng gặp khó khăn không ít vì chưa có ai ở FPT từng làm XKPM. Tôi nghĩ, dưới góc độ “xuất khẩu lao động” nếu đối tác nước ngoài cần tìm 5 ông lập trình viên, tôi sẽ tìm ở FPT và “xuất khẩu” sang họ thế cũng là XKPM.
Dự án XKLĐ được anh Hải là bạn cũ của anh TiếnLQ hỗ trợ, anh này làm ở Bộ LĐTB-XH và có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực XKLĐ, anh dẫn tôi gặp gỡ và tham khảo một số công ty của Đài Loan, Hàn Quốc chuyên môi giới và nhận lao động xuất khẩu. Lúc này, hướng xuất khẩu nhân công làm giám hộ công (gọi tắt là ô sin) là ngon nhất và ít tốn kém nhất. Rục rịch chuẩn bị mở hướng kinh doanh này thì đùng một cái báo chí thời điểm đó lại liên tục có những bài viết kiểu: “Lao động tại Hàn Quốc bị đánh đập dã man” hay “hai bố con một gia đình ở ĐL hiếp một cô giúp việc”. Anh Hưng lại gọi tôi lên truyền đạt ý chỉ của anh Sáu: “FPT mình giờ to rồi, là công ty công nghệ hàng đầu tiếng tăm lấy lừng, ấy mà lại bị dính vào mấy cái trò lao động như thế thì chết”. Dù giấy phép đã xin được nhưng… lại bị xếp xó.
Một lần nữa, ý tưởng kinh doanh của tôi lại không thành hiện thực.
Sự ham thích kinh doanh trong tôi vẫn chưa bao giờ chịu ngủ yên. Công tác Đoàn thì cũng vui nhưng phải nói thật là ít tiền vì đơn giản làm sao số hóa đựơc hiệu quả để mà tính thưởng. Vả lại làm mãi một công việc cũng đến lúc không còn sáng tạo được nữa.
Đầu năm 2003, FPT ký HĐ phân phối với Nokia chắc chắn sẽ cần người, tôi lập tức gặp anh Sáu để xin sang làm Nokia anh nói: “Anh thì OK nhưng mảng này Công ty giao cho Tiến béo em sang đặt vần đề với Tiến béo” và anh cũng nói em phải tìm người thay được em ở công tác cũ”.
“Câu” anh Trương Quý Hải
Trên thực tế, tôi đã có kế hoạch tìm kiếm người làm chuyên trách đoàn thể từ những năm trước với mục đích để các hoạt động phong trào ở FPT bài bản hơn.
Tôi đã từng mời Thảo Vân là CB Đoàn (lúc đó đang rất nổi với vai trò MC trong Gặp nhau cuối tuần). Thảo Vân cũng đã đồng ý cộng tác với FPT nhưng vì Vân là cán bộ của ĐHQG nên không thể chuyển sang FPT mà chỉ có thể làm việc part time với FPT. Cũng tìm và tuyển dụng nhiều nhưng thật khó tìm được người như ý mà lại có thể tâm huyết với FPT.
Làm công tác Đoàn, tôi chơi khá thân với các anh bên Trung ương Đoàn, nhạc sỹ Trương Quý Hải là bạn học cùng trường ĐH với tôi. Tôi chợt nảy ra định “câu” anh Hải về làm cho FPT thì chắc anh Bình sẽ đồng ý. Anh Cảnh, là sếp của anh Hải lúc đó, và là Bí thư TW Đoàn khi nghe tôi trình bày có nói với tôi: “Hơi khó đấy, anh nghĩ Hải không về FPT đâu”. Tôi vẫn tự tin hành động theo cách của tôi.
Nhiều lần tôi gọi điện mời anh Hải đi uống bia. Trò chuyện cà kê đủ thể loại, tôi mới tỉ tê mời anh về làm ở FPT. Lúc đầu, anh Hải cười bảo: “để anh suy nghĩ đã”.
Tôi vẫn kiên nhẫn thuyết phục anh Hải bằng những sự phân tích: “Về FPT, anh thoả sức sáng tác; lương FPT lại cao hơn bên hành chính sự nghiệp. Những thành công của anh cũng là thành công của FPT…”. Ròng rã hai tháng, cuối cùng, đến tháng 4/2003, anh Hải gật đầu theo tôi về… FPT.
Anh Hải thoả thuận trước: “Anh về làm trợ lý cho chú thôi đấy nhé”. Tôi nói luôn: “Anh chỉ làm trợ lý cho em trong 6 tháng thôi, sau đó là anh phụ trách thay em”.
Nguyễn Duy Hưng
Phó Giám đốc F9 – FPT Distribution
Trích “Sử ký FPT 20 năm”