Tôi vào FPT từ năm 1991 do anh Việt tròn giới thiệu. Khoảng những năm 1988-1990, anh Việt tròn làm quen với tôi, khi tôi đang làm trong nhóm lập trình, thuộc Trung tâm Máy tính Bộ Nông nghiệp. Anh Việt tròn hồi đó hình như là cán bộ của Viện Dầu khí và có biết chút ít về tin học.
Anh Việt tròn đề nghị: “Cho anh mua một chương trình phần mềm vẽ bản đồ trên máy tính”. Tôi bảo: “Anh mua thì gặp thẳng giám đốc của em, em chỉ là lập trình, các anh ở trên quyết định thì em sẽ chuyển giao chứ em không bán được”. Anh Việt tròn nhận lời từ chối của tôi một cách vui vẻ và hứa hẹn sẽ có dịp làm việc lại. Bẵng đi hơn một năm, tôi không còn nhớ đến anh Việt tròn và những câu chuyện liên quan đến anh nữa. Thời gian ấy, tôi ngày càng cảm thấy chán làm ở Bộ Nông nghiệp, mặc dù công việc ở đó rất hay nhưng thu nhập lại không tương xứng với công sức bỏ ra. Tôi nói thẳng với chú Phương, Giám đốc Trung tâm rằng: “Cháu phải cầm tay chỉ việc cho một số cô ở đây, tận tụy với công việc, thế nhưng lương của họ lại gấp ba lần cháu dù họ cống hiến ít hơn. Cháu không thích thế này, cháu sẽ ra đi”.
Tôi tin với khả năng của mình, tôi sẽ tồn tại được. Tôi bắt đầu đi tìm việc. Thời đó, Công ty Máy tính 3C rất nổi, thậm chí còn có tiếng hơn cả FPT về khoản lương cao, thu hút nhân tài. Tôi về 3C. Một tháng sau, tôi bỗng nhận được điện thoại của anh Việt tròn. Anh Việt tròn mời tôi đi ăn trưa, uống bia lạnh đàng hoàng, hoành tráng lắm. Chén chú, chén anh xong, anh Việt tròn mới thủ thỉ: “Anh mới ra nhập một tổ chức, được lắm, nhất là cần những người có tài như em”. Xoay một hồi, anh bảo tôi về FPT làm việc cùng anh. Nghe hấp dẫn, tôi liền theo anh Việt tròn về Giảng Võ, gặp anh BìnhTG và các anh để “demo” công việc.
Gặp các sếp của FPT, tôi bắt đầu lưỡng lự, không biết đầu quân vào 3C hay FPT. Thực ra, 3C trả lương cao hơn nhưng trong công việc có khoảng cách, gặp sếp cứ phải khép nép. Ưa tự do, tôi quyết định “chui” vào FPT.
Hồi đó, anh Võ Chí Công vẽ ra viễn cảnh rằng: “Tương lai của thế giới là Unix, mấy cái Microsoft chỉ lìu tìu, vớ vẩn”. Anh Bình nghe thấy chiến lược như thế rất sốt sắng, yêu cầu phải làm ngay, lập một đội gồm nhiều người ưu tú để làm. Tôi cũng được phân vào nhóm lập trình Unix đấy. Đội đó có tôi, Phan Minh Tâm (hiện không còn làm ở FPT) và một số người. Công việc hàng ngày là mang sách ra đọc, rồi hí hoáy triển khai thử do chẳng có cái hợp đồng nào liên quan đến phần mềm này cả.
Khi anh Võ Chí Công đi, anh NgọcBQ lên thay, anh Ngọc thực tế hơn: “Chúng mày đang làm gì? Có hiệu quả không?”. Rồi thấy không hiệu quả, do phải trả lương nhân viên cao, máy tính lại xịn, lại phí, anh Ngọc yêu cầu dẹp.
Tôi lại rơi vào tình trạng chán nản. Tôi có định rời khỏi FPT khi Viện Điều khiển Máy công cụ mời tôi về làm. Tôi đem chuyện này nói với anh Bình: “Các anh trả lương em quá cao, trong khi em chẳng làm được cái gì cả”. Anh Bình ôn tồn: “Em cứ suy nghĩ kỹ đi, nếu tìm được cơ hội khác ở trong công ty, em nên tận dụng”.
Đúng thời gian đấy, anh Bình đi nước ngoài thấy các công ty lớn đều có showroom, thấy mô hình hay, anh liền yêu cầu phải mở một cái. FPT mở showroom ở Lý Thường Kiệt, có dành ra 40m mặt tiền làm nơi trưng bày. Phụ trách phần việc đó có Thắng béo, sau Thắng béo thấy chán liền nhảy sang Zodiac của anh Trung Hà.
Thiếu người, anh Bình cử tôi về showroom. Tôi gật đầu đồng ý.
Năm 1993, FPT cũng chưa nhiều sản phẩm. Hồi đó, FPT chỉ làm đại lý cho hãng máy tính Olivetti, IBM và một số máy tính của mấy ông Việt kiều. Dù máy móc không nhiều nhưng showroom cũng có khách. Tuy nhiên, khi mở showroom lại gặp một số vấn đề. Theo quan điểm của anh Bình, showroom chỉ là trưng bày thôi không được bán. Khách tới mua hàng, tôi đều phải giới thiệu về Giảng Võ.
Khách kêu ca với tôi là mua được máy của FPT khó khăn quá. Thấy cảnh kinh doanh như thế, tôi buồn. Tôi mạnh dạn trao đổi với anh Bình về việc phải bán hàng chứ không chỉ để trưng bày. Không ngờ đề nghị này được anh Bình chấp thuận, anh khích lệ: “Em bán đi”.
Thế là mình tôi vừa bán hàng, giao hàng, kiêm lắp đặt, thậm chí làm luôn cả lễ tân.
Mọi việc tiến hành theo chiều hướng tốt. Do có một mình nên tôi phải ôm nhiều việc. Có hôm thấy anh Bình ở cơ quan, tôi bèn lân la hỏi chuyện: “Ơ, anh Bình không đi đâu à? Thế em mượn xe nhé”. Hồi đấy, tôi bán cho ông Tây một cái máy tính, thấy tôi đi xe anh Bình tới, cậu ta rất ngạc nhiên: “Ở Việt Nam chúng mày đều đi xe đẹp để giao hàng à? Tao chẳng bao giờ được nhìn thấy cái xe đẹp như thế này cả”. “Ừ, bọn tao toàn thế”, tôi tỉnh bơ. Cậu Tây phục lắm, vì thấy tôi đi xe đẹp, comple là lượt, vừa lắp máy vừa nói chuyện với cậu bằng tiếng Anh.
Hồi đó tôi chưa lập gia đình nên giờ giấc khá thoải mái, nhiều hôm còn ngủ lại công ty, không về nhà. Một hôm anh Bình đi đâu đó về muộn, thấy tôi vẫn lụi cụi ở công ty, anh thắc mắc: “Sao em về muộn thế?”. “Em có về đâu ạ”, tôi thật thà đáp. “Bán hàng có gì tốt không em”, anh Bình lại hỏi. “Cũng được anh ạ”. “Thế tháng vừa rồi được bao nhiêu?”, anh Bình tiếp tục. “Khoảng 40 ngàn”. Anh Bình gật gù, “thế cũng đáng kể đẩy nhỉ. Có nhân lên được không, khoảng 100 ngàn?”. “Hết cỡ rồi anh ạ”, tôi thú nhận.
Thấy tình hình như vậy, anh Bình hứa với tôi sẽ cho tôi thêm người để đẩy doanh số lên. Thời gian sau tôi tuyển thêm một cô bán hàng và một anh kỹ thuật. Hồng Mai, cô nhân viên của tôi học Tổng hợp Văn, chưa có nhiều kinh nghiệm bán hàng, nhưng bù lại Mai khá khéo léo, lại xinh. Nhưng sau này Hồng Mai đã phạm một lỗi liên quan đến khách hàng IBM. Trong thời điểm đó, anh Bình lại đang muốn kết thân với hãng, khi Mai vướng lỗi này đại diện của IBM đã phàn nàn với anh Bình.
Một chiều, anh Bình gọi tôi lên, đẩy tờ fax lên trước mặt: “Em có biết chuyện này không?”, anh Bình nghiêm khắc hỏi. Tôi lắc đầu không biết và hứa sẽ kiểm chứng lại từ phía Mai. Sau đó Mai phải thôi việc. Hiện giờ Mai đang giữ chức vụ lớn trong Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, thường xuyên gặp gỡ anh Bình và FPT.
Tuy tôi mất người, nhưng công việc vẫn phải tiếp tục. Từ yêu cầu phải nhân doanh số lên của Bình, tôi đề xuất: “Anh đồng ý cho em lập một đội chuyên đi săn lùng khách hàng nhé”. “Công ty mình hiện giờ không hoành tráng lắm, mình cũng không thể trả lương cao cho họ”, anh Bình phân vân. Tôi giải thích với anh Bình là mình sẽ áp dụng hình thức khoán. Chỉ chờ cái gật đầu của anh Bình, ngay lập tức tôi thành lập một đội quân bán hàng – tiền thân của đội “Xa mẹ” sau này.
Dù thời điểm đó, tôi chưa biết nhiều về marketing, nhưng tôi chủ trương tuyển nữ. Tôi nghĩ cứ xinh là bán được máy, liền tuyển những người đẹp, hồi đó có hai cô tên Hằng và Ngọc là hoa hậu và á hậu Noel năm 1995.
Về sau đội của tôi được bổ sung thêm dăm bảy cô là hoa hậu, á hậu nữa, ở cuộc thi nào thì không nhớ lắm.
Lương của mỗi nhân viên đâu đó khoảng 200.000VND và cứ bán được máy lại thêm hoa hồng. Sau này chúng tôi tuyển thêm nhân viên nam và trong nhóm này đã có nhiều người sau này thành danh như KhánhBQ ở FPT Mobile, như Minh hiện là Giám đốc Công ty tin học ODC…
Chúng tôi phân công thị trường và chia nhau làm, tôi chịu trách nhiệm thống kê. Các cô nói với tôi: “Anh cho em 200.000VND/tháng thì chỉ đủ tiền xăng, anh phải cho em thêm tiền hao mòn sắc đẹp nữa chứ”. Tôi nghĩ cũng thương. Dần dà cơ chế của FPT được điều chỉnh tốt hớn. Tôi nhớ, nhờ bán hàng giỏi, lương của KhánhBQ có thời điểm lên đến 7 triệu VND, gấp 3 lần lương của anh Bình.
Thời điểm đấy chúng tôi bán hàng cũng được, nhưng doanh số không phải là điều lớn nhất, cái đạt được là mang lại danh tiếng cho FPT, sau này tạo nên trào lưu.
Giai đoạn đỉnh cao nhất là phát triển một số showroom ở Hà Nội, một ở 89 Láng Hạ, một ở Yết Kiêu, một ở Ngô Quyền, một ở Bờ Hồ và một ở Hàng Bài. Dù phát triển nhưng tôi nhìn nhận, FPT vẫn chưa tạo ra được sức mạnh cốt lõi để tung ra chuỗi. Nhận thấy khiếm khuyết này, chúng tôi bắt đầu chú trọng phát triển mảng bán buôn và đến năm 2003 thành lập FPT Distribution và một số công ty khác như FPT IS, Công ty Giải pháp Phần mềm FPT. Chị Nguyễn Thu Hương, PTGĐ FPT Distribution (nay đã rời công ty) đề xuất với anh Bình phương án là bán hàng cho các khách hàng dự án, do các đại lý mình bán hàng hơi kém và được anh Bình chấp thuận.
Một thời gian sau, FPT tiến hành mở trung tâm Nokia. Tiến béo có khả năng hùng biện tốt được giao phát triển FPT Distribution. Đến ngày nay, FPT Distribution vẫn kinh doanh hiệu quả, có lãi và khẳng định được tên tuổi, vị thế của FPT trong lĩnh vực phân phối. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, chứng kiến hành quả này, tôi nghĩ đây là một thành công lớn mà trong 20 năm phát triển FPT đã đạt được.
Tô Minh Tuấn
Phó Tổng giám đốc FDC
Trích “Sử ký FPT 20 năm”