Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, giữ ổn định như năm 2020. Kỳ thi sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, giao cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Trước vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN cho rằng, để công tác tuyển sinh đại học đạt hiệu quả, quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa, có sự tham gia của các trường đại học ở mức độ phù hợp để đảm bảo tính công khai, minh bạch, đánh giá khách quan, công bằng.
Bên cạnh đó, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp để có thể vừa dùng cho xét tốt nghiệp THPT, vừa để các trường sử dụng xét tuyển đại học.
Đồng thời, hai ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM cần tiếp tục phát huy vai trò tự chủ của mình, cần duy trì kỳ thi Đánh giá năng lực học sinh THPT để đa dạng nguồn tuyển và tuyển được các thí sinh tốt nhất, có đủ năng lực vào học đại học, đặc biệt là những chương trình đào tạo (CTĐT) tài năng, chất lượng cao.
Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, giữ ổn định như năm 2020. Kỳ thi sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020 nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với học sinh THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với học sinh giáo dục thường xuyên).
Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về hình thức thi, chỉ duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đối với công tác tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS. Nguyễn Đình Đức cho biết, năm 2021, ĐHQGHN tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu, với 132 ngành/CTĐT (chuẩn, chất lượng cao, tài năng, tiên tiến) thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ – Kỹ thuật, Kinh tế – Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với các phương thức xét tuyển tương tự năm trước, cụ thể:
– Xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ GD&ĐT, Quy định đặc thù trong đào tạo bậc THPT chuyên của ĐHQGHN;
– Xét tuyển thí sinh có kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của ĐHQGHN;
– Xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, như: chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng – Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60); thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1100/1600 trở lên; thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36; Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn).
– Xét tuyển thí sinh có kết quả thi ĐGNL do Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của ĐHQGHN. Từ năm 2021, ĐHQGHN tái khởi động lại kỳ thi ĐGNL để lấy kết quả kỳ thi này như một trong những phương án để xét tuyển vào đại học.
– Xét tuyển thí sinh là người nước ngoài theo Quy định của ĐHQGHN.
Theo Dân Trí.