Thời gian diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã cận kề, trong khi số ca mắc COVID-19 được công bố tại Đà Nẵng vẫn tăng lên mỗi ngày. Việc tổ chức kỳ thi trong lúc dịch bùng phát được cả phụ huynh, giáo viên cho rằng sẽ vất vả và tốn kém. Chúng ta có thể hoàn thành 1 kỳ thi, nhưng chưa biết việc gì sẽ xảy ra sau đó.
Thi tốt nghiệp THPT Đà Nẵng giữa tâm dịch là mạo hiểm
Thành phố Đà Nẵng đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày tới đây, diễn biến do dịch bệnh vẫn còn khó lường. Trong khi đó, việc dừng hay tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Đà Nẵng vẫn chưa được “chốt”. Theo dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra từ 8-10.8 tới, tức chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa. Tâm trạng chung của học sinh lúc này là phập phồng, lo âu.
Ghi nhận ý kiến của giáo viên trên địa bàn TP.Đà Nẵng, tất cả đều nóng lòng chờ đợi sớm “chốt” việc dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn thành phố và có phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho tất cả các thí sinh. Nguyên nhân là bởi, việc tổ chức một kỳ thi với quy mô lớn như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tập trung đông người.
Cô Nguyễn Thị Thảo – giáo viên một trường cấp 3 tại quận Hải Châu – nêu quan điểm, việc hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Đà Nẵng ít nhiều ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học của học sinh trên địa bàn. Thế nhưng, trong tình hình dịch bệnh hoành hành như hiện nay, Bộ GDĐT cần có một phương án tốt nhất để báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh và cả cộng đồng.
Còn theo bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GDĐT TP.Đà Nẵng – hiện tại ngành Giáo dục Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị coi thi trên địa bàn thành phố. Theo lời bà Thuận, việc chuẩn bị kỳ thi sẽ dựa trên các phương án phòng chống dịch tối đa. Tuy nhiên, quan điểm của ngành Giáo dục cũng như UBND TP.Đà Nẵng là dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT và có phương án xét đặc cách cho các thí sinh.
Sớm có phương án để ổn định tâm lý học sinh
Kỳ thi THPT được thực hiện từ năm 2015 đến nay. Năm nay, kỳ thi đã được Bộ GDĐT rời lại hai lần vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, vào tháng 4.2020, nhiều ý kiến đã đề xuất hủy kỳ thi mang tính quốc gia này, trao quyền xét tốt nghiệp cho các địa phương và quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học.
Tuy nhiên, để ổn định tâm lý học sinh, kỳ thi vẫn được tổ chức và còn chưa đầy một tuần nữa sẽ chính thức diễn ra. Hiện các địa phương trên cả nước đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho kỳ thi, kể cả việc chuẩn bị phòng thi dự phòng, phương án cách ly với thí sinh F1, F2, trường hợp thí sinh có biểu hiện ho, sốt. Riêng Đà Nẵng, Quảng Nam, địa phương đang có ca mắc COVID-19 có những lo lắng và đề xuất dừng hoặc rời lịch tổ chức kỳ thi trên địa bàn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng, dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng, nên hoàn toàn có thể xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh ở Đà Nẵng. Mọi năm, khoảng 98% thí sinh tham dự kỳ thi THPT ở đây đỗ tốt nghiệp, nên năm nay nếu xét đặc cách thì không có gì phải băn khoăn.
“Vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là xét tuyển vào đại học. Kết quả học bạ hiện nay không phản ánh đúng năng lực của học sinh, vì vậy rất cần có kết quả của một kỳ thi, hoặc bài thi đánh giá năng lực để làm căn cứ xét tuyển.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng với những trường, những ngành thực hiện xét tuyển bằng học bạ thì sẽ tiếp tục thực hiện. Còn những trường top trên, những ngành hot, thì nên có một kỳ thi riêng, được tổ chức ở một thời điểm thích hợp khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, để học sinh lấy kết quả đó xét tuyển vào đại học. Hiện nay Bộ GDĐT đã xây dựng ngân hàng câu hỏi, nên Chính phủ hoàn toàn có thể dừng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại nơi đang là tâm dịch. Sau đó, căn cứ nguyện vọng của thí sinh muốn xét tuyển vào đại học, đặc biệt các trường top trên, thì có thể tổ chức một kỳ thi ở quy mô nhỏ hơn, sẽ đỡ tốn kém hơn”- GS Nguyễn Đình Đức nêu giải pháp.
Về việc có nên mở rộng đối tượng xét đặc cách tốt nghiệp, hủy tổ chức kỳ thi không chỉ ở Đà Nẵng mà trên toàn quốc, ông cho rằng khó thực hiện, vì hiện nay trong Luật Giáo dục quy định phải có kỳ thi THPT.
Nguồn: Báo Lao Động