Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Hoàng Minh Sơn nêu 2 trường hợp: đến thời điểm thi có những địa phương phải cách ly, phong tỏa và dịch bệnh lan rộng hơn nữa…
Trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tối 3/6/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa rất quan trọng với ngành, với cả xã hội.
Kỳ thi không chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp bậc học phổ thông mà còn làm căn cứ đánh giá toàn bộ quá trình dạy và học của các nhà trường và các địa phương, làm căn cứ để cải tiến về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.
Với người học và gia đình, phần lớn thí sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.
“Năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, thì 3/4 trong số đó sẽ dùng kết quả để xét vào đại học. Kết quả này quan trọng bởi đến nay, đây vẫn là công cụ đánh giá bảo đảm độ tin cậy, bảo đảm tính công bằng để xét tuyển đại học” – Thứ trưởng Bộ Giáo dục nói.
Ông Sơn phân tích, tầm quan trọng của kỳ thi này đã được khẳng định và đưa vào quy định trong Luật Giáo dục. Vì thế, Bộ Giáo dục cũng đã chỉ đạo các địa phương và cùng với các địa phương, cùng sự phối hợp của các ngành khác để chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để làm sao tổ chức một kỳ thi đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn cho học sinh, cho cán bộ coi thi, cho những người làm công tác coi thi…
“Theo kế hoạch kỳ thi này sẽ được tổ chức vào 7-8/7. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng tiến độ, nghiêm túc. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, vẫn còn địa phương phải giãn cách, cách ly, phong tỏa… thì Bộ cũng sẽ có phương án để thi sinh ở khu vực cách ly, những em đang cách ly y tế sẽ dự thi vào đợt 2. Còn trường hợp diễn biến dịch phức tạp hơn, lan rộng hơn nữa, thì các tỉnh, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Theo Dân trí.