Về vấn đề trên, trao đổi với , ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đến đầu tháng 3 gần như tất cả các tỉnh đã cho học sinh trở lại trường, chỉ còn Hải Dương và Hải Phòng, nhưng thời gian học sinh tạm dừng đến trường các địa phương vẫn tiến hành cho học sinh học trực tuyến và việc học trực tuyến đã có kinh nghiệm từ năm ngoái nên thực hiện khá tốt.
Cùng với đó, khi học sinh quay lại trường học, các cơ sở giáo dục cũng chủ động ôn tập lại những bài đã học trực tuyến, đảm bảo học sinh tiếp nhận được kiến thức.
Nếu tình hình dịch bệnh vẫn khả quan thì khả năng các trường có thể thực hiện chương trình năm học theo đúng kế hoạch, Bộ GD&ĐT không phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học 2020-2021.
Bộ GD&ĐT đã giao địa phương chủ động xây dựng kế hoạch năm học, trong đó có các tình huống sử dụng quỹ thời gian dự phòng nếu dịch bệnh kéo dài”.
Ông Thành cho biết, theo kế hoạch thì ngày 31/5 là thời gian các địa phương kết thúc năm học, kế hoạch năm học có 2 tuần dự phòng nên địa phương có thể sử dụng triệt để quỹ thời gian này củng cố thêm kiến thức cho các em.
“Kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi. Tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay.
Được biết, đến nay, các cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng phương án tuyển sinh trong có có 6 cơ sở giáo dục ĐH sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM , ĐH Việt Đức, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Trong đó, 2 ĐH Quốc gia sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở miền Bắc và miền Nam. Đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội dài 195 phút với 150 câu hỏi, còn đề thi của ĐH Quốc gia TP.HCM dài 150 phút với 120 câu hỏi.
Hiện chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi trên máy, còn các cơ sở giáo dục ĐH khác tổ chức trên giấy. Các đơn vị đều chuẩn bị sẵn ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi. ĐH Quốc gia Hà Nội có ngân hàng đề thi lên tới 12.000 – 15.000 câu hỏi và dự kiến tổ chức bốn đợt thi trong năm, trong mỗi đợt thi, thí sinh sẽ thi một đề riêng.
Đề thi kiểm tra năng lực của các trường sẽ bao quát kiến thức của ba năm THPT và kiến thức của lớp 12 chiếm nhiều hơn. Câu hỏi yêu cầu cung cấp đủ kiến thức để kiểm tra năng lực, tư duy phân tích của thí sinh, chứ không thiên về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc.
GS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên, các thí sinh cần tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ trung tâm ôn thi nào mà cần dành nhiều thời gian ôn tập lại các kiến thức đã học, tự rèn luyện kỹ năng làm bài thi.
Thí sinh có thể tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh được công bố tại đề án tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là các tiêu chí phụ của ngành đăng ký dự tuyển để tránh nhẫm lần đáng tiếc.
Theo chuyên trang của báo vietnamnet