Chỉ còn 7 ngày nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đang gấp rút lên phương án để đảm bảo an toàn cho thí sinh. Về phía trường đại học, các kịch bản cũng được đưa ra để đảm bảo công tác tuyển sinh 2020 không bị xáo trộn bởi dịch COVID-19.
Lo lắng của thí sinh và phụ huynh
Lê Thị Xuân Mai (học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) vẫn tự động viên mình và bạn bè như thế mỗi khi đón nhận thông tin Đà Nẵng có ca nhiễm mới. Sống trong tâm dịch, nói không lo lắng, bất an là không thật lòng mình, nhưng theo Mai, thời gian không còn nhiều để dành cho việc nghĩ về chúng. Chỉ còn 7 ngày nữa là tới kỳ thi quan trọng, Mai đếm ngược từng ngày, dồn sức cho việc ôn tập.
Mai kể, từ ngày toàn thành phố cách ly xã hội, em và bạn bè có một chút bất tiện là không thể đến các lớp học thêm, học nhóm. Để việc ôn thi không bị gián đoạn, em chuyển qua tự ôn tập tại nhà và ôn thi trực tuyến. Mai cũng không quên tập thể dục để nâng cao sức khỏe và có tinh thần thoải mái nhất.
“Bố mẹ em lo lắng, áp lực chuyện thi cử của con. Sợ nhất lúc này là kỳ thi bị hủy, hoặc thay đổi. May mắn là Bộ GDĐT đã khẳng định kỳ thi vẫn diễn ra và lên các phương án để đảm bảo an toàn cho thí sinh. Chúng em đã ôn tập sẵn sàng bước vào kỳ thi, nên không muốn có thay đổi nào nữa. Em nghĩ nếu tất cả các thí sinh đều thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay… thì chúng ta sẽ an toàn thôi.
Hơn nữa, Bộ GDĐT cũng đã có phương án xét đặc cách cho những thí sinh phải nằm viện vì COVID-19, hoặc bố trí cho các thí sinh diện F1, F2 có phòng thi riêng. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là bình tĩnh, giữ sức khỏe của mình thật tốt” – từ tâm dịch Đà Nẵng, Mai gửi lời động viên đến hơn 900.000 sĩ tử chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra vào 8-10.8 tới.
Về thông tin Bộ GDĐT phân loại thí sinh có nguy cơ lây nhiễm, trong đó nhóm thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi) sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định, hiện trên các diễn đàn dành cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT đang có nhiều ý kiến khác nhau. Lê Thị Xuân Mai cho rằng, việc có cơ chế xét đặc cách sẽ đảm bảo công bằng cho học sinh không may mắc COVID-19.
Đồng tình với kịch bản sẽ xét đặc cách những thí sinh không may mắc COVID-19, tuy nhiên hiện nhiều ý kiến lo lắng: Việc tham dự kỳ thi THPT năm 2020 không đơn thuần để xét tốt nghiệp mà còn lấy kết quả để xét tuyển đại học. Trong trường hợp vì dịch bệnh, thí sinh không thể tham dự được kỳ thi, các em sẽ xét tuyển như thế nào? Các trường đại học có thay đổi phương án tuyển sinh hay có ưu tiên nào với những trường hợp này?
Phương Anh (học sinh Trường THPT Đa Phúc, Hà Nội) cho rằng để đảm bảo công bằng với các thí sinh khác, thì chỉ nên quy định xét đặc cách cho thí sinh mắc COVID-19, còn sau đó, khi đã điều trị khỏi bệnh, hoặc hết thời gian cách ly, thí sinh vẫn cần phải làm một bài khảo sát chất lượng để lấy kết quả xét tuyển đại học. Không nên có “cơ chế ngoại lệ”, hay xét tuyển theo một cách khác chỉ vì mắc COVID-19.
Cần thiết áp dụng “mềm dẻo” đặc cách
Về phía các trường đại học, trước diễn biến mới của dịch COVID-19, nhiều trường cho biết đã lên phương án sẵn sàng ứng phó. Vì hiện nay quyền tự chủ được mở rộng, nên dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không diễn ra được, thì các trường vẫn có thể tuyển sinh theo các phương thức khác nhau.
PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết, những ngày qua lãnh đạo nhà trường theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GDĐT về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường còn có nhiều phương thức khác, trong đó có việc xét tuyển kết hợp bằng bài thi đánh giá tư duy, dự kiến tổ chức vào 15.8 tới.
“Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức đã hoàn tất. Chúng tôi sẽ bố trí đưa thí sinh đã đăng ký ở điểm thi Sơn La về Hà Nội dự thi, đảm bảo quy định về giãn cách, an toàn cho các em. Với các trường hợp thí sinh phải cách ly, hay điều trị vì nhiễm COVID-19, không tham dự được kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của nhà trường, chúng tôi sẽ có phương án xét tuyển phù hợp, như xét tuyển bằng điểm học bạ” – PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết.
TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT – thì cho rằng, với quy định hiện tại trong luật thì việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT là bắt buộc. Trong khi, chỉ còn mấy ngày là đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nên Quốc hội sẽ không kịp họp để điều chỉnh luật. Theo ông Tùng, quan trọng nhất là cần bám sát và dự đoán chuẩn về tình hình dịch bệnh như thế nào để có phương án cụ thể. “Theo tôi, nếu tình hình dịch như hiện nay, chúng ta vẫn có thể tổ chức kỳ thi. Còn trong trường hợp lan nhiễm rộng hơn, thì khu vực nào an toàn vẫn tổ chức thi, không an toàn thì cần phải dừng. An toàn cho người học, cán bộ coi thi vẫn là số 1” – ông Tùng nhấn mạnh.
Với các đối tượng không thể dự thi, theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT thì cần thiết vận dụng “mềm dẻo” cơ chế đặc cách tốt nghiệp. Xét đặc cách là thẩm quyền của Hội đồng xét tốt nghiệp THPT do Sở GDĐT thành lập đã được quy định tại Điều 34, 39 Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT. Theo đó, điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp với những thí sinh không thể dự thi được quy định: Thí sinh bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi có xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên.
“Nếu diện học sinh không thể dự thi ở diện rộng hơn thì sở có thể trình bộ xem xét mở tiêu chí đặc cách ngay cả với học sinh có học lực trung bình khá, trung bình… Khi đó, sở mới cần làm tờ trình xin ý kiến, quy chế” – ông Tùng chia sẻ.
Nguồn: Báo Lao Động