#2 Bạn là ai? Bạn đang ở đâu trong hành trình tự do tài chính?

9:48 16/12/2022

Ở phần 1, chúng ta đã cùng tìm hiểu về tự do tài chính ở hai khía cạnh “what” và “why”. Hãy tiếp tục tìm hiểu khía cạnh “who” và “where” trong hành trình này ở bài viết dưới đây! 

Lần cuối cùng bạn dành một chút thời gian để suy nghĩ và định hình lại con đường sự nghiệp của bạn là khi nào? Thật dễ dàng để cho sự nghiệp của chính mình rơi vào trạng thái tự lái và thậm chí là không mục tiêu, do đó, bạn luôn cần ý thức được bản thân đang là ai và nên phát triển như thế nào cho tốt?

Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki

Trong cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu cha nghèo”, tác giả Robert Kiyosaki đã thể hiện quan điểm ủng hộ sự độc lập về tài chính. Ông cũng khuyến khích và động viên những người đọc cuốn sách này xây dựng sự giàu có của họ chủ yếu thông qua kinh doanh, đầu tư chứng khoán và bất động sản. Đồng thời, ông phân loại các tầng lớp người lao động dựa trên cách họ kiếm tiền. Cụ thể, ông phân ra làm 4 loại người:

  • Người làm thuê
  • Tư kinh doanh
  • Chủ doanh nghiệp
  • Nhà đầu tư.

Cả 4 nhóm người đều có điểm chung là họ mong muốn kiếm được tiền để trang trải cho cuộc sống. Điểm khác biệt của từng nhóm người thể hiện ở cách họ kiếm tiền như thế nào. Từ đó, tác giả Robert Kiyosaki giới thiệu cho chúng ta cách tư duy tự làm chủ, quản lý tài chính và hướng tới tự do tài chính.

Kim tứ đồ của Robert Kawasaki

Trong hai góc phần tư đầu tiên, nằm ở phía bên trái, chúng ta có nhân viên và người tự kinh doanh. Đây là một nhóm người phụ thuộc vào công việc của họ để có thu nhập. Trong khi nhóm nằm bên phải, sử dụng thời gian, công sức của người khác hoặc tài sản của mình để tạo ra thu nhập mà không bị giới hạn bởi thời gian. Tiền có thể được tạo ra ngay cả khi bạn đang ngủ.

  • Người làm thuê (Employee)

Là những người làm việc cho một tổ chức hoặc công ty nhất định. Họ phụ thuộc vào công việc của họ để tồn tại. Ngoài ra, nhân viên làm việc trong một số giờ nhất định theo quy định của công ty, khi đó vào cuối tháng, họ được trả lương cho số giờ hoặc số ngày mà họ đã làm việc.

Đây là góc phần tư rủi ro nhất, chẳng hạn, khi công ty mà bạn đang làm việc bị đóng cửa, bạn sẽ gặp rắc rối về tài chính do không có nguồn thu nhập. Nhóm người này cũng rất sợ rủi ro, họ lo sợ cho việc dành nhiều thời gian để học cách thoát ra khỏi góc phần tư này. Thay vào đó, họ coi trọng công việc của mình và luôn hướng tới việc kiếm được một công việc trả lương cao hơn và có nhiều lợi ích hơn.

  • Tự kinh doanh (Sefl-employed)

Những người thuộc nhóm này là thương nhân, người làm việc tự do , luật sư, nha sĩ và bất kỳ người nào khác là một chuyên gia được trả lương cao. Điều tốt về những người này là họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ hợp đồng nào như người làm thuê mà được tự do lựa chọn thời gian và tần suất làm việc. Tuy nhiên, điểm bất lợi là những cá nhân này phải vật lộn để tiếp tục thực hiện một số dự án mới, và kết quả là họ sẽ lãng phí nhiều thời gian hơn để loay hoay tìm việc gì đó để làm hơn là kiếm tiền.

Thêm vào đó, họ không thích thuê người khác làm việc cho mình vì họ tin rằng không ai làm việc đó tốt hơn họ. Cách duy nhất mà họ có thể kiếm tiền là làm việc. Khi những người này cần nhiều tiền hơn buộc họ phải làm việc nhiều giờ hơn.

  • Chủ doanh nghiệp (Business)

Nhóm này quan tâm tới việc xây dựng một hệ thống kinh doanh làm việc cho mình. Họ biết tận dụng sức mạnh của những người thuộc nhóm E để tạo ra thu nhập cho mình mà không cần làm việc. Các chủ doanh nghiệp cũng biết rằng họ không thể tự mình thành công và vì lý do đó, họ thuê những người có kỹ năng và tài năng mà họ cần cho công việc kinh doanh của họ để giúp họ kiếm tiền. Chủ doanh nghiệp có được vị thế hơn so với những người trong hai phần tư bên trái là họ có thể sa thải nhân viên. Khi một chủ doanh nghiệp muốn kiếm nhiều tiền hơn, họ sẽ chủ yếu tập trung vào việc mở rộng kinh doanh và tìm kiếm nhân viên chất lượng cao. Hãy nhớ rằng, ngay cả khi họ không làm việc, những người mà họ thuê vẫn đang làm việc để mang lại tiền cho họ.

  • Nhà đầu tư (Investor)

Theo Kiyosaki, các nhà đầu tư đang ở mức độ an toàn cao nhất về mặt tài chính. Là một nhà đầu tư, tất cả những gì bạn phải làm là khiến tiền của bạn làm việc cho bạn. Tất cả những gì bạn phải làm là đầu tư tiền kiếm được vào bất động sản, cổ phiếu hoặc trái phiếu, miễn là đó là tài sản sẽ tạo ra lợi nhuận tốt.
Những gì các nhà đầu tư chủ yếu làm là họ tìm kiếm các công ty hoặc doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, sau đó họ đầu tư vào doanh nghiệp cụ thể đó để nhận cổ tức hoặc kiếm lời từ giao dịch chênh lệch giá.

Dựa vào Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki, bạn dễ dàng nhận ra mình thuộc vị trí nào và quyết định trở thành ai trên bản đồ.

 7 mức độ tự do tài chính


Grant Sabatier là triệu phú tự thân từ tuổi 37, cũng là người tiên phong trào lưu tự do tài chính và nghỉ hưu sớm (). Ông cũng là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất thế giới năm 2019: “Tự do tài chính: con đường đã được chứng minh để có tất cả số tiền bạn cần”. Cần bao nhiêu tiền để đổi lấy sự tự do hoàn toàn về tài chính? Không có một con số cụ thể nào cả. Để hình dung rõ hơn, Grant Sabatier đã đưa ra một lộ trình gồm 7 giai đoạn từ rõ ràng, tự túc tiền bạc đến mức của cải dồi dào. Dựa vào những mô tả này, bạn sẽ dễ dàng nhận biết được bản thân mình đang ở đâu, từ đó có những bước đi đúng và nhanh hơn trong hành trình tự do tài chính.

  • Cấp độ 1: Rõ ràng

Như Sabatier đã từng nói: “Bạn không thể đến nơi mình muốn nếu không biết mình bắt đầu từ đâu”. Vì vậy, ở cấp độ thứ nhất này, bạn cần nắm rõ về tình hình tài chính cá nhân của bản thân. Cụ thể là xem xét bản thân có bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, mục tiêu là gì,…

  • Cấp độ 2: Tự túc

Ở cấp độ này, bạn phải tự bước đi trên đôi chân của mình về mặt tài chính. Để làm được điều này, bạn phải kiếm đủ số tiền để trang trải chi phí sinh hoạt mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Tuy nhiên, số tiền đó có thể đến từ lương hoặc những khoản vay khác của bạn. Miễn là bạn có thể tự xoay sở mà không cần đến sự chu cấp của gia đình hay người thân.

  • Cấp độ 3: Thoải mái

Vượt qua cấp độ 2 tức là bạn hoàn toàn đã tạo cho mình được một khoản kha khá để dành cho các mục tiêu như lập quỹ khẩn cấp và đầu tư cho hưu trí. Sabatier nhấn mạnh rằng việc bạn có nhiều tiền không đồng nghĩa với việc bạn thực sự tiết kiệm được số tiền đó. Ông chỉ ra một thực tế là hầu hết người Mỹ đều sống bằng nợ.

  • Cấp độ 4: Ổn định

Để đạt được mức 4, bạn phải đảm bảo trả được nợ lãi suất cao và tích lũy đủ 6 tháng phí sinh hoạt vào quỹ khẩn cấp. Việc tiết kiệm vào quỹ khẩn cấp giúp đảm bảo tài chính của bạn sẽ không bị lung lay trước những trường hợp bất ngờ.

  • Cấp độ 5: Linh hoạt

Một người đã tiết kiệm được ít nhất 02 năm chi phí sinh hoạt, thì chắc chắn là đang ở mức độ 5 của tự do tài chính. Đó không chỉ tính riêng tiền mặt mà còn có thể là tổng số tiền từ các tài khoản tiết kiệm và đầu tư, miễn là bạn có thể sử dụng chúng khi cần. Ở mức độ này, bạn có thể nghỉ công việc nhàm chán của mình mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều.

  • Cấp độ 6: Độc lập tài chính

Để đến được đây, đòi hỏi bạn phải có sự thay đổi trong suy nghĩ để thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống về tài chính cá nhân. Bạn sẽ phải đầu tư phần lớn trong thu nhập của bạn hoặc có thể chuyển sang lối sống tối giản hơn để giảm đáng kể chi phí sinh hoạt. Sabatier cho rằng những người đã đạt được sự độc lập về tài chính có thể sống hoàn toàn bằng thu nhập được tạo ra từ các khoản đầu tư của họ.

  • Cấp độ 7: Của cải dồi dào

Trong khi những người ở cấp độ 6 vẫn cần theo dõi sự thay đổi trong danh mục đầu tư để đảm bảo kế hoạch tài chính thì những người ở cấp độ 7 không cần suy nghĩ nhiều về điều này. Sabatier cho rằng bạn đang ở cấp độ 7 khi bạn có nhiều tiền hơn những gì bạn cần. Tiền bạc không còn là sự lo lắng và không phải là điều cần thiết cho sự tồn tại của bạn.

Qua bài viết này, chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng nhận ra bạn là ai, Kim tứ đồ sẽ giúp bạn định hình lại con đường sự nghiệp của bạn và bạn đang ở đâu trong hành trình tự do tài chính? Quan trọng nhất vẫn là niềm tin, bắt đầu từ những bước nhỏ, vượt khỏi vùng an toàn và biết chấp nhận rủi ro hơn, không ngừng học tập và nâng cao kiến thức của bản thân để sẵn sàng cho sự thay đổi trong hành trình tự do tài chính.

Hãy đón đọc phần cuối của hành trình tự do tài chính trong bài viết tiếp theo nhé!

Giảng viên Nguyễn Hữu Phổ

Bộ môn Quản trị kinh doanh

Cao Đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận