Trong vài năm qua, cụm từ “chuyển đổi số ngành du lịch” hay “Du lịch số” đã được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về vấn đề này. Do đó, bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Chuyển đổi số ngành du lịch (du lịch số) là gì?
Hiện nay, định nghĩa về chuyển đổi số chưa có chuẩn hóa; đang được nhiều tổ chức, cá nhân đưa ra các định nghĩa riêng của mình. Theo Gartner – Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.
Đối với FSI – doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT),… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…”.
Trong thực tiễn, du lịch số hay chuyển đổi số ngành du lịch là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng.
Vì sao cần chuyển đổi số ngành du lịch?
Nhu cầu và cách đưa ra quyết định của khách hàng trong ngành du lịch thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Ngày nay, khách hàng hiện đại luôn có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm tương tác, đặt dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc mọi nơi chính là mong muốn của họ.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2015-2019 tại Việt Nam, việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng tăng hơn 32 lần; có tới 88% du khách nội địa tra cứu thông tin qua mạng; trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về sản phẩm du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu đại dịch, khi hầu hết mọi thói quen và tâm lý tiêu dùng đã thay đổi và được thực hiện chủ yếu trên internet cũng là lúc các doanh nghiệp du lịch buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số, từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng…
Vì thế, chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc đối với các công ty du lịch muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay. Đó không chỉ là xu thế, mà là hiệu quả kinh doanh. Khi khách hàng chuyển sang đặt dịch vụ qua mạng, mà đơn vị cung cấp không chuyển động theo, thì doanh nghiệp đang tự loại mình ra khỏi cuộc đua.
Lợi ích của doanh nghiệp du lịch khi thực chuyển đổi số
Các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch dễ dàng quản lý hệ thống, tối ưu hóa nhân sự, gia tăng hiệu suất công việc, giảm chi phí nhân sự nhờ đó tối đa hóa lợi nhuận và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc ứng dụng công nghệ số hóa tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm du lịch đến với khách hàng, đồng thời doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng tiềm năng, khách hàng mục tiêu của mình.
Hệ thống dữ liệu Internet vạn vật giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thói quen du lịch và một số đặc điểm khác để có thể chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm. Việc này không những giúp doanh nghiệp tăng khả năng bán được sản phẩm mà còn giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thực hiện các thao tác để mua sản phẩm mà họ mong muốn.
Các ứng dụng công nghệ cho phép doanh nghiệp phát triển nhiều kênh giao tiếp với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả. Quá trình lưu trữ dữ liệu, kiểm soát chất lượng và cả hoạt động thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng cũng được thực hiện hiệu quả hơn. Khách hàng có thể thực hiện thao tác đặt dịch vụ và thanh toán một cách dễ dàng, tiện lợi; có thể phản ánh các ý kiến của họ một cách nhanh chóng thông qua nền tảng các mạng xã hội hay các trang web du lịch, qua đó giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch hiểu rõ hơn mong muốn của du khách đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến chất lượng để tạo sự hài lòng cho du khách.
Như vậy, cùng với chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời tạo ra cho khách hàng trải nghiệm hoàn hảo hơn từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên để thực hiện chuyển đổi số thành công và bền vững cần gắn kết các chủ thể chính trong ngành du lịch trên môi trường số, gồm có: cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến và khách du lịch.
Giảng viên Phạm Thị Lệ Xuân
Bộ môn Kinh tế – Trường Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá
Đà Nẵng