Ngày nay, mạng xã hội đã trở nên phổ biến với đầy đủ thông tin phục vụ cho mọi loại nhu cầu trong cuộc sống. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng là nơi chứa những thông tin xấu, độc hại, từ đó kéo theo một bộ phận người trẻ đều lệ thuộc hết vào không gian ảo.
Cũng vì sự phụ thuộc “toxic” vào mạng xã hội, vấn nạn bắt nạt và quấy rối người dùng trẻ trên mạng có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê, có hơn 80% bạn trẻ sử dụng điện thoại thường xuyên, biến nó trở thành loại hình công nghệ thông dụng nhất, bị các đối tượng xấu đem ra làm công cụ bắt nạt qua mạng. Chưa hết, đa phần người trẻ khi bị bắt nạt qua mạng thường không dám chia sẻ với người thân về những vấn đề, nỗi lo mà họ đang gặp phải, đặc biệt là phái nữ – đối tượng có khả năng bị bắt nạt cao hơn. Theo Noron Việt Nam, tình trạng bắt nạt trên mạng xảy ra phổ biến ở các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter, Email và tin nhắn tức thời. Trong đó, Facebook – được cho là mạng xã hội nơi người trẻ bị bắt nạt nhiều nhất (chiếm đến 84,2%).
Với sự phát triển “chóng mặt” của mạng xã hội, có nhiều cách thức để một người ẩn danh bắt nạt và quấy rối trực tuyến người khác. Hơn nữa, những thông tin trên Internet dường như “bất tử” với thời gian, bởi lẽ nơi đây không cho con người được phép lãng quên bất kỳ điều gì, tất cả đều có thể bị xóa nhòa trong phút chốc, nhưng những lời nói vô tình hay ảnh chụp công kích người khác sẽ rất dễ để lại hậu quả khôn lường và ảnh hưởng tâm lý vô cùng nặng nề.
Nhìn vào thực tế, những tổn thương về tinh thần, tâm lý hay cảm xúc là một dạng ảnh hưởng khó tránh khỏi khi người dùng mạng giao lưu trực tuyến, nhất là đối với người trẻ. Chưa hết, khi một cá nhân bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm mất mặt/xấu hổ hoặc bị tra tấn tinh thần qua mạng Internet và các thiết bị điện tử thì không thể phủ nhận việc cá nhân đó đang bị bắt nạt qua mạng. Thậm chí, hành vi này thường mang tính chất hung hăng, có chủ đích, được thực hiện bởi một hoặc nhiều người nào đó lặp đi lặp lại qua thời gian lên một cá nhân khác, mà cá nhân đó thường không thể dễ dàng lên tiếng hay tự vệ được, khiến cho “tổn thương” chồng chất “thương tổn” theo thời gian.
Nhận diện bắt nạt qua mạng
Thông thường, những dạng bắt nạt qua không gian mạng được gặp với các biểu hiện như sau:
- Gửi thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu, gây tổn thương, đe dọa qua email hoặc điện thoại di động của người khác.
- Phát tán những tin đồn sai, có tính chất xúc phạm và làm nhục người khác.
- Đăng bài viết với ngôn từ, nội dung gây tổn thương hoặc đe dọa một cá nhân lên các trang mạng xã hội hoặc các trang web/blog.
- Lấy trộm thông tin cá nhân của người khác rồi lẻn vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc gửi những thông điệp gây hại.
- Giả mạo là người khác và đăng những bài viết, thông điệp, hình ảnh lên mạng dưới danh nghĩa người đó.
- Lấy những bức hình/clip riêng tư của người khác rồi lan truyền qua Internet.
- Nhắn tin quấy rối (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh, tin nhắn khêu gợi tình dục về một ai đó.
Lan tỏa thông điệp, nâng cao nhận thức đẩy lùi hành vi bắt nạt qua mạng
Khi chứng kiến hành vi này, mỗi người trong chúng ta cần phải nỗ lực làm giảm hiệu ứng người ngoài cuộc của cộng đồng bằng cách:
- Giảm sự mơ hồ và tăng tính trách nhiệm: Thuật lại chi tiết cho người khác biết về hành vi này, nêu lên những tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu.
- Thỉnh cầu đích danh: Nhờ cậy đích danh người tới giúp, thay vì nói chung chung “Ai đó làm ơn hãy giúp tôi”.
- Đánh vào cảm giác tội lỗi: Cho thấy hậu quả xấu nhất có thể xảy ra khi hành vi bắt nạt không được ngăn chặn.
- Giáo dục: Hướng dẫn người khác cách ứng xử đúng đắn trên không gian mạng.
Học cách tự vệ trên không gian mạng
Để tránh trường hợp bắt nạt qua mạng, mỗi chúng ta cần trang bị đầy đủ kiến thức bảo vệ bản thân chẳng hạn như:
- Nhận thức rằng đó không phải là lỗi của bản thân: Đừng cảm thấy có lỗi chỉ vì mình là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Không ai đáng phải chịu những điều tiếng hay ác ý như vậy.
- Cẩn trọng với thông tin cá nhân: Dùng các kỹ thuật an ninh mạng để đảm bảo thông tin cá nhân không bị rò rỉ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ thông tin lên mạng.
- Lưu trữ bằng chứng: Chụp màn hình các tin nhắn, ghi âm đoạn hội thoại hoặc quay video về hành vi bắt nạt để làm bằng chứng cho bản thân.
- Sử dụng các nguồn lực khác: Nhờ đến sự giúp đỡ và hỗ trợ của bạn bè, thầy cô, gia đình, nhà tâm lý học, luật sư và cơ quan chức năng để bảo vệ bản thân khi bị bắt nạt.
Nhằm xây dựng một cộng đồng mạng văn minh, hãy luôn suy nghĩ thật kỹ trước khi gõ phím và trở thành một người biết cảm thông, lan tỏa những điều tốt đẹp trên không gian mạng. Đối với vấn nạn bắt nạt trên mạng vẫn còn đang hoành hành, sinh viên cần phải hiểu thật kĩ những tác động xấu do hành vi này gây ra và học cách bảo vệ bản thân lẫn những người xung quanh.
Giảng viên Lê Thuỵ Xuân Dương
Bộ môn Kinh tế – FPT Mạng cá cược bóng đá Đà Nẵng