Nhìn từ bên ngoài, Hướng dẫn viên du lịch là một công việc khá hào nhoáng vì bạn sẽ được đi khắp nơi mà không phải bỏ tiền túi, có mức lương hấp dẫn và đặc biệt luôn tươi tắn trong những nụ cười. Bên cạnh đó, nghề Hướng dẫn viên du lịch được xếp trong Top những nghề có sự phát triển bền vững, lâu đời, hứa hẹn trong tương lai.
Tuy nhiên Hướng dẫn viên du lịch cũng là một công việc khá nhọc nhằn áp lực dành cho các bạn trẻ. Để có được những những chuyến đi, rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, bạn phải hội tụ nhiều tố chất như: kiến thức, ngoại ngữ, năng khiếu, sức khoẻ, kinh nghiệm, lòng yêu nghề. Khi trở thành một Hướng dẫn viên du lịch, bạn phải chấp nhận một công việc căng thẳng, thời gian không ổn định, phải hiểu biết nhiều về địa lý, văn hoá, lịch sử của nước mình, nước bạn và cập nhật thông tin thường xuyên; những tình huống khó khăn bất ngờ xảy ra cần xử lý…
Một nghề nhiều thử thách
Không những được đi đó đi đây, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền, được tiếp xúc với nhiều nền văn minh trên thế giới, được ở khách sạn “nhiều sao”, Hướng dẫn viên du lịch còn thỏa sức thể hiện bản thân vì luôn là tâm điểm chú ý của cả đoàn. Thế nhưng, khi đã vào nghề, người chỉ nhìn ánh hào quang bên ngoài sẽ không bao giờ trụ được với nghề. Bởi cũng được đi đây đó, nhưng trong khi khách du lịch được thư giãn ngắm cảnh, thưởng thức không gian thì Hướng dẫn viên phải căng mình ra, vận động liên tục, làm sao để có thể truyền đạt những hiểu biết của mình về từng địa danh một cách sống động linh hoạt, làm thế nào để vừa lòng tất cả mọi du khách, làm sao để không khí chuyến đi luôn sôi động, hòa đồng… Người Hướng dẫn viên còn phải luôn chuẩn bị tư thế để đối phó với những bất trắc, từ chuyện xe hư, đường hỏng, thời tiết thay đổi làm sai lệch lộ trình, phải tự mình ứng phó thật quyết đoán và nhạy bén. …
Đáng đồng tiền bát gạo!
Vất vả, chông gai nhưng đó lại là nguồn động lực lớn lao để Hướng dẫn viên du lịch nuôi dưỡng đam mê. Môi trường làm việc nhiều áp lực khiến người hướng dẫn phải không ngừng rèn luyện. Càng đi Tour nhiều, Hướng dẫn viên càng tích lũy được “vốn nghề”, rèn được cho mình sự khéo léo, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp…
Hiện tại, ngành Du lịch nước ta đang rất thiếu nguồn nhân lực, do đó sinh viên đang theo học ngành này không lo thất nghiệp, nhưng với điều kiện các em phải biết tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, không ngừng tìm tòi học hỏi, tích lũy vốn sống để có thể nhạy bén, ứng xử kịp thời trước mọi tình huống, đồng thời phải chú ý rèn luyện thể chất và phải chấp nhận chịu cực, không ngại thử thách. Thực tế, đang có rất nhiều nam Hướng dẫn viên du lịch đang làm việc, nhưng sinh viên theo học nghề này lại phần đông là nữ.
Thiếu nhân lực trình độ cao
Chỉ riêng tại TP.HCM thì theo tin từ Sở VHTTDL nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là nhân lực có trình độ đại học còn khá khiêm tốn. Theo kết quả điều tra của Sở VHTTDL TP.HCM, hiện thành phố có gần 300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhưng mới chỉ có 1.746 HDV.DL quốc tế được cấp thẻ chính thức để hành nghề, đa số những người này biết tiếng Anh. Còn các thứ tiếng còn lại đều trong tình trạng thiếu trầm trọng HDV. Thậm chí, cả Thành phố chỉ có 30 Hướng dẫn viên du lịch sử dụng các thứ tiếng, như: Hàn, Ý, Tây Ban Nha, Indonesia…