Trong thời buổi thương trường cạnh tranh khốc liệt, bất kể ngành nghề nào, để tồn tại và phát triển, đều cần có chiến lược thu hút và phục vụ khách hàng tốt. Điều này không ngoại lệ đối với ngành Quản trị nhà hàng. Nhân viên phục vụ được xem là “bộ mặt” của nhà hàng, là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhiều nhất, vậy cần có những kỹ năng nào ở nhân viên phục vụ để giao tiếp và chăm sóc khách hàng tốt nhất?
Phục vụ khách hàng trong nhà hàng là hình thức bán hàng trực tiếp, khách tới nhà hàng thưởng thức là một hình thức sử dụng trực tiếp và đánh giá các dịch vụ sản phẩm của Quản trị nhà hàng thông qua chất lượng, cách phục vụ và thái độ của nhân viên. Và dưới đây là những kỹ năng mà bất cứ nhân viên phục vụ nào cũng cần lưu tâm để nhận được sự vừa ý từ khách.
- Chào đón khách
Chào đón khách là điều đầu tiên nhà Quản trị nhà hàng cần quan tâm và lưu ý. Khi khách đến, nhân viên chào đón phải luôn tươi cười, nhìn ra cửa để chào đón với thái độ hân hoan, và giữ khoảng cách thích hợp, khoảng 1m giữa nhân viên và khách. Có nhiều cách chào hỏi lịch sự và thể hiện sự đón tiếp nồng hầu đối với khách hàng. Nếu biết danh tính, hãy gọi tên của khách để tạo sự thân mật, thân thiện và sẽ để lại ấn tượng tốt trong lòng khách hàng.
2. Dẫn khách vào chỗ ngồi
Khi đã biết được số lượng khách đến, hãy dẫn khách đến bàn có số lượng phù hợp. Khi đã tìm được bàn thích hợp, bạn hãy kéo ghế mời khách và luôn với phương châm là “lady first” nhé.
3. Trải khăn ăn cho khách
Sau khi khách đã ngồi xuống, bạn hãy tiến hành trải khăn ăn cho khách, nhưng lưu ý, việc này chỉ được thực hiện khi bạn đã hỏi ý khách và được sự đồng ý.
4. Mời khách xem thực đơn và chọn món
Một số lưu ý đối với thực đơn: phải luôn sạch sẽ, không nhàu nát và bạn phải đứng bên phải của khách khi đưa thực đơn. Nếu khách phân vân không biết gọi món gì, bạn có thể giới thiệu qua cho khách một số thức món đặc biệt của nhà hàng. Như vậy khách sẽ thấy được sự tận tình của bạn và tạo được ấn tượng tốt trong lòng khách hơn.
5. Trong quá trình khách đang dùng món
Hãy luôn quan sát khéo léo. Nếu khách đã dùng xong một số món ăn, hãy dọn đồ bẩn nếu thấy trên bàn có nhiều bát đĩa. Hãy thay đồ dùng cho khách để thuận tiện sử dụng phù hợp cho từng món khác nhau. Trong trường hợp khách đã hết thức uống, hãy hỏi nhẹ nhàng xem khách có muốn dùng thêm đồ uống nữa không. Đó là một cách khôn ngoan của những người phục vụ để làm hài lòng khách hàng.
6. Mời khách sử dụng món tráng miệng
Sau khi thấy khách dùng bữa gần xong, hãy hỏi xem khách có muốn dùng món tráng miệng không và nhanh chóng dọn sạch đồ dùng bẩn trên bàn ăn.
7. Thanh toán
Tuyệt đối không để khách đợi lâu khi gọi thanh toán. Hóa đơn phải được kẹp trong sổ thanh toán, và khi nhận tiền của khách, bạn hãy kiểm tra tiền trước sự chứng kiến của khách và đọc lại số tiền mình vừa đếm cho khách nghe xem có chính xác không.
8. Kiểm tra sự hài lòng và tiễn khách
Sự hài lòng của khách là mục tiêu mà bất cứ nhà hàng nào cũng luôn hướng đến, vì thế, để tìm hiểu sự hài lòng của khách hàng, nhân viên phục vụ có thể nghe ý kiến của khách bằng cách nghe qua cuộc nói chuyện hoặc xin ý kiến trực tiếp từ khách hàng. Bạn phải luôn lắng nghe ý kiến khách hàng với tinh thần cầu thị. Và nếu khách không hài lòng về vấn đề nào đó, bạn hãy xin lỗi khách và hứa sẽ cải thiện.